Phạm vi công việc của tư vấn giám sát xây dựng công trình
Tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình là sản phẩm của lao động trí tuệ trong quản lý xây dựng, đóng góp một phần quan trọng trong việc tạo nên những công trình chất lượng.
Giám sát, kiểm tra các điều kiện khởi công công trình
1. Lập đề cương giám sát phù hợp với yêu cầu của dự án.
2. Kiểm tra, báo cáo chủ đầu tư về các điều kiện khởi công công trình.
3. Kiểm tra và báo cáo chủ đầu tư về năng lực của các nhà thầu so với hợp đồng đã ký kết.
4. Kiểm tra và báo cáo chủ đầu tư về tính phù hợp với các yêu cầu của dự án và hợp đồng đã ký đối với các loại vật tư, thiết bị của các nhà thầu chuẩn bị đưa vào sử dụng cho công trình.
Giám sát chất lượng thi công xây dựng
1. Kiểm tra, giám sát và chấp thuận biện pháp tổ chức thi công, biện pháp thi công của từng công việc do nhà thầu trình so với yêu cầu của dự án và hợp đồng đã ký kết, cụ thể:
– Trước khi triển khai thi công các công việc trọng yếu, giám sát xây dựng phải yêu cầu nhà thầu trình biện pháp thi công, biện pháp tổ chức thi công để xem xét và chấp thuận; trường hợp biện pháp thi công, biện pháp tổ chức thi công của nhà thầu chưa phù hợp thì giám sát xây dựng phải yêu cầu nhà thầu chỉnh sửa cho phù hợp hoặc đề xuất các biện pháp khác thay thế để làm cơ sở cho nhà thầu thi công;
– Giám sát việc thực hiện các biện pháp thi công và biện pháp tổ chức thi công của nhà thầu so với các biện pháp đã được phê duyệt.
2. Kiểm tra, giám sát hệ thống trắc đạc cho công trình của các nhà thầu như: tọa độ, cao độ, lưới khống chế, hệ thống quan trắc, …
3. Kiểm tra tính phù hợp của các thiết bị thi công và nhân lực của nhà thầu so với hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư như:
– Kiểm tra tính hợp lệ của các thiết bị, máy móc thi công do nhà thầu trình trước khi đưa vào thi công như: phải được kiểm định của cơ quan có thẩm quyền (đối với các máy móc, thiết bị yêu cầu phải kiểm định);
– Kiểm tra bố trí nhân lực của nhà thầu để thi công công trình như: chứng chỉ hành nghề của lực lượng công nhân kỹ thuật, việc bố trí cán bộ kỹ thuật, chỉ huy công trường, …
4. Kiểm tra chứng chỉ, chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng và kết quả thí nghiệm tại các phòng thí nghiệm hợp chuẩn đã được nêu trong hợp đồng hoặc được chủ đầu tư chấp thuận do nhà thầu trình trước khi được vào sử dụng cho công trình, cụ thể:
– Chỉ được cho phép sử dụng vào công trình các loại vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng đảm bảo chất lượng và phù hợp với yêu cầu của dự án, hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư;
– Các loại vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng đưa vào công trình phải có xuất xứ rõ ràng, chứng chỉ của nhà sản xuất và phải được thí nghiệm tại các phòng thí nghiệm hợp chuẩn phù hợp với hợp đồng đã ký;
– Duy trì thường xuyên và liên tục việc giám sát và các biện pháp kiểm soát chất lượng các loại vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng đưa vào công trình.
5. Kiểm tra và báo cáo chủ đầu tư về quá trình sản xuất sản phẩm mẫu và sản phẩm được sản xuất sẵn.
6. Kiểm tra chứng chỉ, chất lượng thiết bị công trình và thiết bị công nghệ của nơi sản xuất thiết bị, kết quả kiểm định chất lượng của các tổ chức có đủ điều kiện năng lực thực hiện theo quy định của pháp luật do các nhà thầu trình; nghiệm thu theo các yêu cầu của thiết kế và các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm hiện hành trước khi cho phép lắp đặt.
7. Trong trường hợp cần thiết, tư vấn giám sát sẽ tiến hành kiểm tra các phòng thí nghiệm mà nhà thầu sử dụng để thí nghiệm các loại vật liệu, cấu kiện xây dựng sử dụng cho công trình.
8. Tham gia giám sát quá trình thí nghiệm, kiểm định vật liệu, cấu kiện, sản phẩm, thiết bị xây dựng trong trường hợp cần thiết.
9. Giám sát quá trình thi công xây dựng công trình của nhà thầu nhằm tuân thủ đúng thiết kế và các quy định hiện hành của pháp luật.
10. Kiểm tra, nghiệm thu các công tác thi công xây dựng công trình theo đúng yêu cầu của thiết kế và đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
11. Đôn đốc việc lập, kiểm tra và xác nhận các bản vẽ hoàn công theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
12. Khi phát hiện thiết bị thi công, việc bố trí nhân lực, các vật liệu, thiết bị công trình và thiết bị công nghệ không phù hợp với hợp đồng đã ký, thì tư vấn giám sát có quyền:
– Yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư và với các quy định hiện hành của pháp luật;
– Lập biên bản và yêu cầu nhà thầu ngừng thực hiện công việc cho đến khi nhà thầu thực hiện đúng các quy định của hợp đồng đã ký kết, trường hợp nhà thầu không tuân thủ thì giám sát xây dựng báo cáo để chủ đầu tư xử lý vi phạm hợp đồng đối với các nhà thầu;
– Từ chối nghiệm thu các công tác xây lắp, các giai đoạn xây lắp, việc chạy thử khi không đảm bảo yêu cầu theo hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư. Việc từ chối nghiệm thu các công việc của giám sát xây dựng phải được thể hiện bằng văn bản gửi cho chủ đầu tư và nhà thầu trong đó nêu rõ lý do từ chối nghiệm thu.
13. Kiểm tra, rà soát lại thiết kế để kịp thời báo cáo chủ đầu tư các mâu thuẫn, các bất hợp lý trong thiết kế (nếu có).
Giám sát thực hiện tiến độ thi công xây dựng
1. Kiểm tra, xác nhận tiến độ thi công tổng thể và chi tiết các hạng mục công trình do nhà thầu lập đảm bảo phù hợp tiến độ thi công đã được duyệt.
2. Kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công của các nhà thầu thi công xây dựng trên công trường. Khi cần thiết, kiến nghị với chủ đầu tư để yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng có biện pháp đảm bảo tiến độ thi công của công trình.
3. Đánh giá, xác định các nguyên nhân, báo cáo bằng văn bản để chủ đầu tư trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều chỉnh tiến độ của dự án đối với trường hợp tổng tiến độ của dự án bị kéo dài.
4. Kiểm tra năng lực thực tế thi công của nhà thầu thi công xây dựng về nhân lực, thiết bị thi công so với hợp đồng xây dựng; báo cáo, đề xuất với chủ đầu tư các giải pháp cần thiết để đảm bảo tiến độ.
Giám sát khối lượng thi công xây dựng công trình
1. Kiểm tra, xác nhận khối lượng đã được nghiệm thu theo quy định.
2. Báo cáo chủ đầu tư về khối lượng phát sinh so với hợp đồng xây dựng.
Giám sát việc đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường
1. Kiểm tra và báo cáo chủ đầu tư về điều kiện, biện pháp đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy, nổ trong quá trình thi công xây dựng công trình.
2. Giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng theo quy định tại Điều 34, Điều 35 Nghị định 59/2015/NĐ-CP và quy định của pháp luật về an toàn lao động và bảo vệ môi trường.